Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Thí điểm mô hình trồng nấm linh chi tại Sơn Định




 
Nấm linh chi. Ảnh: Xuân Lãm  
Qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã nhà, tháng 8/2012 gia đình bà Thái Thị Em ấp Phụng Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách được chọn thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng kết quả khá khả quan.

Trước khi đến với mô hình trồng nấm linh chi gia đình bà Em làm nghề sản xuất cây giống. Đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá vùng đất mới tại làng quê Sơn Định trong đề án phát triển du lịch sinh thái làng nghề và đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gia đình bà Em thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm linh chi.

Bà Em chia sẽ “Trồng nấm linh chi được xem là khá mới đối với gia đình, lúc đầu chúng tôi do dự,  sợ không làm được nhưng qua sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, chúng tôi yên tâm hơn. Tuy mới thực hiện lần đầu nhưng tôi thấy mô hình khả thi đối với bà con nông dân”.

Tham gia mô hình trồng nấm linh chi, gia đình bà Em được hỗ trợ miễn phí 2 ngàn bịt phôi giống, được tư vấn hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư hệ thống bình lọc nước hộ gia đình. Sau thời gian chăm sóc, thực hiện đúng quy trình, nấm phát triển tốt cho thu hoạch sản lượng đạt cao và tỷ lệ hao hụt thấp.

Bà Em cho biết “Trồng nấm linh chi xem ra khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, với 2 ngàn phôi, tôi làm giàn được đóng bằng cây dùng để chất phôi lên có chiều rộng 6m, dài 12m, chiều cao từ giàn xuống mặt đất có khoảng cách hơn 0,5m. Thiết kế nhà lưới, bên trong lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương và tùy vào thời tiết sử dụng nước tưới cho phù hợp. Thông thường tôi chỉ tưới nước cho phôi nấm linh chi ở nhiệt độ 35 độ C trở lên. Bằng biện pháp này, sau 2 tháng chăm sóc nấm cho thu hoạch. Đợt 1 thu hoạch 38 kg và đợt 2 thu hoạch 30 kg. Với giá bán 380 ngàn đồng/kg đã mang lại lợi nhuận gần 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”.

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng nấm linh chi mang lại, cùng với tiếp cận thị trường cho thấy: Nấm linh chi là loại thảo dược, thức ăn giàu chất dinh dưỡng, giá thành khá cao và nhu cầu sử dụng nấm khá lớn. Điều quan trọng là kỹ thuật chăm sóc nấm linh chi xem ra khá đơn giản, thích hợp với vùng đất của địa phương… Từ đó, gia đình bà Em tiếp tục gắn bó với nghề.

Qua đợt thu hoạch nấm linh chi bà Em nhận thấy rằng, quy trình trồng nấm khá đơn giản. Vấn đề quan trọng là tưới nước, phải tưới nước vào thời điểm thích hợp. Để nấm phát triển tốt, nhà trồng nấm phải đảm bảo môi trường sạch,  thông thoáng, đảm bảo đủ độ ẩm và nấm được nuôi trong mùng kín. Riêng về nước tưới sử dụng nguồn nước qua hệ thống lắng lọc phòng tránh cho nấm không bị nhiễm bệnh, đảm bảo về chất lượng.

Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình bà Em cho biết nấm linh chi còn được sử dụng như một loại thuốc quý, do đó việc trồng nấm phải đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường tốt.

Đầu tư mô hình trồng nấm linh chi tại Sơn Định, Chợ Lách được xem là mô hình mới có nhiều triển vọng cho nông dân. Việc đầu tư mô hình này không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế mà còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề, giúp cho địa phương phát triển ngành du lịch sinh thái làng nghề-khám phá vùng đất mới và đạt các tiêu chí về xã thôn nông thôn mới vào cuối năm 2013.
Trúc Ly
Đài Truyền thanh Chợ Lách

Lưu ý khi mua nấm linh chi

“Không nên chọn những cây nấm đã bị mất độ bóng trên bề mặt, hoặc có những lỗ tròn nhỏ bằng đầu kim. Đó là loại nấm cũ hoặc có thể đã bị chiết xuất chỉ còn phần xác”, thạc sĩ Cổ Đức Trọng khuyến cáo.
Thượng vàng hạ cám
Đến khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, quận 5, TP HCM người tiêu dùng không khỏi choáng ngợp trước một rừng dược liệu. Trong đó, nấm linh chi là một mặt hàng khá hút khách.
Ở đây, nấm linh chi được bày bán chủ yếu là nấm có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Nấm linh chi Hàn Quốc có giá bán từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng một kg. Nấm Hàn Quốc nhìn khá bắt mắt, mặt trên của nấm màu đỏ nâu, còn dính một ít bào tử, mặt dưới có màu vàng chanh nhạt. Nấm có đường kính từ 10cm – 15cm, nặng khoảng 100 gam. Khi nấu, nước có vị đắng.
Khác với nấm Hàn Quốc, nấm Trung Quốc có giá bán rất rẻ, từ 500.000 – 600.000 đồng một kg. Bề mặt nấm có màu đỏ nhạt, có chút ít bào tử màu nâu, có hình tròn, đường kính từ 8cm đến 15cm, hơi cứng.
 
Cẩn trọng để không mua nấm linh chi bị mốc
  • Ngoài ra còn một loại nấm linh chi giống Nhật Bản cũng được trồng tại Việt Nam. Nấm có hình quả thận hoặc hình quạt, màu đỏ sậm, bóng láng và rất cứng. Mặt dưới của nấm có màu vàng chanh nhạt hoặc trắng ngà. Nấm giống Nhật Bản khi nấu nước uống có vị rất đắng do có nhiều hàm lượng saponin triterpen trong nấm.
  • Tuy nhiên, theo thạc sĩ Cổ Đức Trọng, nấm linh chi giống Việt Nam hiện chiếm ưu thế vì chất lượng. Nấm có màu đỏ, bề mặt nấm bóng đẹp, hơi xốp, mặt dưới nấm có màu trắng ngà và ruột màu nâu sậm.
Nấm cũ gây dị ứng
  • Nấm linh chi có những công dụng như mát gan, giải độc, tốt cho tim mạch, huyết áp… nhưng nếu không cẩn trọng khi mua người tiêu dùng dễ mua nhầm nấm cũ, nấm đã bị triết hết chất chỉ còn xác nấm.
  • Thạc sĩ Trọng khẳng định, bất cứ ai cũng có thể sử dụng nấm linh chi. Tuy nhiên khi mua nấm, người tiêu dùng phải thật cẩn trọng để chọn được nấm mới, chất lượng cao.
  • Thạc sĩ Trọng “bật mí”, khi nấu chín, nước linh chi có vị đắng. Nhưng một số nấm Trung Quốc, đặc biệt là nấm bề mặt phía dưới có màu vàng nghệ khi nấu nước đầu rất đắng nhưng đến nước thứ hai là hoàn toàn không mùi vị.
  • Nguyên nhân là nấm đã bị phết hóa chất tạo vị đắng và màu cho đẹp mắt nên chỉ có nước đầu là đắng, nước sau rất nhạt. Không những thế, hầu như nấm linh chi cũ đều mất đi độ bóng của mặt trên nấm. Nhìn kỹ sẽ thấy nấm có những lỗ tròn nhỏ bằng đầu kim do bị mọt đục.
  • Nếu sử dụng loại nấm này người dùng dễ bị dị ứng do mọt và phân mọt còn lại trong nấm. Với nấm Hàn Quốc kém chất lượng, người dùng hay gặp phải tình trạng mốc xanh hoặc mốc hoa cau gây đau bụng, tiêu chảy. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng phải xem thật kỹ để tránh mua phải hàng mất chất.
  • Thạc sĩ Trọng cũng khuyến cáo, hiện có nhiều loại nấm mọc hoang trong rừng ở Việt Nam có màu sắc, hình dáng dễ lẫn với nấm linh chi. Loại nấm này có chất lượng kém vì được thu hái ngẫu nhiên nên thường non quá hoặc già quá nên bị mục, nấm bệnh ký sinh.
  • Vì thế khi chọn mua nấm linh chi, người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín, có bao bì nhãn mác rõ ràng để biết rõ nguồn gốc xuất xứ loại nấm

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm linh chi


Những năm gần đây, được hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, nhiều địa phương đã mạnh dạn hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng nấm linh chi là một trong nhiều mô hình mới, hiệu quả được nhiều địa phương khuyến khích đầu tư nhân rộng. Bởi đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, vốn đầu tư không cao và phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.

Mô hình trồng nấm linh chi ở TX.Hồng Ngự
Gắn bó với nghề trồng nấm linh chi gần 2 năm, cô Trần Thị Thum ngụ ấp An Lợi, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự phấn khởi cho biết: “Ban đầu gia đình tôi chỉ trồng thử nghiệm trên 2 ngàn phôi nấm nhưng thấy kết quả rất khả quan. Vụ này được sự hỗ trợ vốn từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Trạm Khuyến nông thị xã nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích và trồng thêm 5 ngàn phôi nấm. Tổng chi phí đầu tư cho phôi nấm, nhà trồng, dây treo... khoảng 29 triệu đồng. Sau 6 tháng, tôi thu hoạch được khoảng 110kg nấm khô, giá bán ngoài thị trường khoảng 500 ngàn đồng/kg. Trừ các khoảng chi phí lãi khoảng trên 25 triệu đồng. Đây là khoản thu đáng kể đối với gia đình tôi trong lúc nông nhàn”.
Theo cô Thum, trồng nấm linh chi không mất nhiều công chăm sóc, tuy nhiên về kỹ thuật, người trồng phải chú ý và tuân thủ nghiêm túc các qui trình mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn như: nhà trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo nhiệt độ từ 22 – 280C và độ ẩm từ 80 – 90%. Ngoài ra, các nhà trồng phải trang bị hệ thống tưới tự động, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng khoảng 1cm để đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển. Xung quanh nhà trồng cần bao lưới ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Sau khi thu hoạch, nấm phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40 – 450C.
Nấm linh chi là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ giải độc và cải thiện bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, thần kinh suy nhược... mà hiện nay chúng ta đã chủ động trồng được. Đây là loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, cần được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 250 tấn nấm linh chi và khả năng trong những năm tới nhu cầu sẽ tăng khoảng 25% mỗi năm. Trong khi đó, hiện tại chúng ta chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại phải sử dụng các loại nấm ngoại nhập, hoàn toàn không biết rõ về nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, việc phát triển trồng nấm linh chi đạt tiêu chuẩn về chất là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo người tiêu dùng trong nước được sử dụng nguồn dược liệu sạch, an toàn. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội lớn phát triển kinh tế từ sản xuất nấm linh chi.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Phơ - Trưởng Trạm Khuyến nông TX.Hồng Ngự: “Hiện tại ở địa phương, mô hình chỉ mới triển khai ở một số hộ, qui mô còn nhỏ lẻ nên chưa liên kết được với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm, người dân chỉ bán cho khách hàng ở địa phương, giá cả chưa ổn định. Trong năm tới, thị xã sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm linh chi cho nông dân và nhân rộng mô hình trên địa bàn. Định hướng năm 2014, TX.Hồng Ngự sẽ mời Công ty dược phẩm Domesco để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nấm linh chi cho người dân”.
Mỹ Lý

Trồng nấm linh chi- mô hình hay




Người trồng nấm đang thu hoạch bào tử.
Khoảng vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Nhơn Phú (Mang Thít) xuất hiện mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu đạt hiệu quả khá và được xem là mô hình phát triển kinh tế hay từ một số hộ nông dân quyết đoán, quyết làm…
Từ những đợt tham quan, hội thảo
Không phải ngẫu nhiên mà mô hình trồng nấm linh chi xuất hiện ở xã Nhơn Phú, mô hình có thể xem lần đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Mang Thít.

Chúng tôi tìm đến nhà của cô Đào (ấp Phú Thạnh B) thì được biết, thông qua chính quyền xã, có đơn vị mời dự tham quan các mô hình ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau,… và thông qua các buổi dự thảo nên gia đình quyết định chuyển hướng trồng thử.
Hiện tại, gia đình của cô Đào có 4.000 phôi nấm được trồng trên diện tích chỉ khoảng gần 40m2. Cô cho biết, lúc trước gia đình làm lò gạch, nhưng từ lúc nghề gạch không còn sung túc thì bắt đầu chuyển qua chăn nuôi, trồng trọt.

Vào trước Tết Nguyên đán, sau khi đi tham quan, dự hội thảo về kỹ thuật trồng nấm linh chi, thấy hay nên quyết định trồng thử. Đến nay, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch đợt đầu tiên.
Điều thuận lợi cho các hộ trồng nấm linh chi là bên cung cấp phôi giống sẽ trang bị kiến thức kỹ thuật, cử cán bộ xuống hướng dẫn làm nơi nuôi trồng, về độ ẩm, ánh sáng,… đều được hướng dẫn.

Đứng kế bên, chú Út Được- chồng cô Đào cho biết: Không cần diện tích lớn, gia đình có thể tận dụng các trại gạch cũ, gia cố lại để sử dụng nơi trồng nấm. Công chăm sóc để nấm linh chi phát triển không cần nhiều, mỗi ngày chỉ cần tưới nước 2 lần và đảm bảo độ ẩm, ánh sáng đúng kỹ thuật,… là cây nấm có thể phát triển tốt. Do đó có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm việc khác… Hiện cũng đang hoàn thiện chỗ trồng mới đáp ứng đủ cho khoảng 10.000 phôi nấm.
Tìm đến nhà chị Loan (ấp Phú Thọ) để tìm hiểu về mô hình, chị cho biết, bên cung cấp phôi giống với giá 10.000 đ/phôi. Mỗi phôi sẽ cho ra 3 đợt nấm. Đợt 1 khoảng từ 50- 60 ngày, đợt 2 và 3 khoảng 30 ngày.

Các đợt liên tiếp nhau, cứ thu hoạch rồi nấm tự phát triển tiếp. Trung bình 70 phôi sẽ cho ra 1kg nấm linh chi khô, với giá thành hiện nay bên cung cấp giống thu vào là 500.000 đ/kg.

Do đó, nếu tính kỹ đợt đầu tiên có thể sẽ “hòa vốn, đợt 2 và 3 sẽ bắt đầu cho lợi nhuận… Hiện trại nấm linh chi của chị Loan cũng sắp đến ngày thu hoạch đợt đầu tiên. Khi nghiên cứu với các tài liệu cũng như tiêu chuẩn nấm, chị Loan cười tươi đánh giá: Nấm của chị đạt loại 1 gần như 100%.
Sản xuất cần ổn định
Hiện nay trên địa bàn xã Nhơn Phú có khoảng 11 hộ tham gia trồng nấm linh chi, với tổng số phôi nấm đang trồng và đăng ký mới khoảng 28.500 phôi, trải đều khắp các ấp. Có hộ đang trồng cao nhất là 4.000 phôi, hộ thấp nhất cũng 500 phôi, có hộ đã đăng ký trồng mới 10.000 phôi.

Chị Loan cho biết, do mới làm lần đầu nên chị đầu tư chỉ 2.000 phôi, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu mở rộng mô hình.

Các phôi nấm bào ngư được trồng song song với nấm linh chi ở một hộ dân.
Mô hình trồng nấm linh chi không chỉ cho nấm mà các hộ trồng nấm còn có thể thu hoạch bào tử (giống như dạng bột, thu hoạch xong phải phơi khô để bào quản- PV). Hiện nay, mỗi ký bào tử được thu mua với giá từ 3- 5 triệu đồng. Như vậy, thu nhập tăng thêm ở các mô hình là rất đáng kể…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú Đặng Ngọc Thảo, xã đã kết hợp để tổ chức 2 cuộc hội thảo, mời nông dân đến dự. Qua đó, một số hộ bước đầu cũng mạnh dạn đầu tư trồng thử. Hiện có một số hộ đã thu hoạch, một số thì chuẩn bị thu hoạch đợt đầu tiên. Bước đầu đánh giá, mô hình hay, đạt hiệu quả và sắp tới sẽ có những bước đánh giá cụ thể, nếu được sẽ triển khai nhân rộng…
Tuy hiện nay được bao tiêu sản phẩm nấm với giá cao, bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất, cho lợi nhuận kinh tế khá. Song không ít người trồng cũng lo ngại về đầu ra trong tương lai.

Một nông dân có mô hình ở ấp Phú Thọ cho rằng, đầu ra sản phẩm là điều kiện đảm bảo để người trồng nấm yên tâm. Cho nên, rút kinh nghiệm từ các loại nông sản khác vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường, thương lái, thì mô hình trồng nấm linh chi mới mở rộng, phát triển, mở ra điều kiện kinh tế cho bà con nông dân…
Nhiều hộ trồng nấm linh chi không chỉ mạnh dạn đầu tư trồng thử mà còn thí nghiệm trồng “kèm” nấm bào ngư. Qua đó, có thể so sánh mức lợi nhuận, kỹ thuật trồng, thị trường,…

Khi chúng tôi tìm đến một số hộ có mô hình, song song với hàng ngàn phôi nấm linh chi là vài trăm phôi nấm bào ngư. Ngoài ra, một số hộ còn tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu qua sách, báo, thậm chí là mạng Internet… về các loại nấm này.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY

rồng nấm linh chi: Thu nhập cao


Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng nấm linh chi, anh Đào Công Hoan ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước (Đồng Phú - Bình Phước) đã mạnh dạn áp dụng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên trại nấm luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt, gia đình anh có cuộc sống ngày càng khấm khá­.
Năm 2009, anh Hoan đầu tư trồng các loại nấm mèo, nấm rơm và nấm bào ngư nhưng do giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ nên không mở rộng được mô hình. Trong một lần tình cờ đọc trên sách, báo thấy giới thiệu mô hình trồng nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao, anh mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại nấm này. Nắm bắt được kiến thức, cộng thêm kinh nghiệm trồng các loại nấm trước, năm 2012, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng trồng thử nấm linh chi hồng. Ban đầu anh trồng 6.000 cá thể (bịch) trong diện tích hơn 300m2. Vụ thu hoạch đầu tiên, tuy năng suất không cao nhưng phát triển ổn định, tỷ lệ cá thể ra nấm khá đồng đều. Từ thành công bước đầu, anh Hoan mạnh dạn đầu tư cho lứa nấm tiếp theo. Hiện, trại nấm của anh có hơn 13.000 bịch, với giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm làm ra được Trường Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh và Công ty Dược Bình Dương tiêu thụ ổn định. “Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăm sóc nên nấm đạt năng suất, chất lượng cao, đặc biệt đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Ngoài việc trả được vốn vay ngân hàng, kinh tế gia đình tôi cũng dần ổn định”, anh Hoan nói.
Theo anh Hoan, để nấm linh chi sinh trưởng, phát triển ổn định, trước hết phải nắm vững kiến thức, kỹ thuật. Thực tế, cách trồng và chăm sóc nấm linh chi hồng cũng gần giống các loại nấm ăn thông thường khác. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm là mùn cưa từ cây cao su rồi trộn thêm vôi, cám gạo và một số chất khác theo tỷ lệ, sau đó ủ đóng bịch đưa vào lò hấp.
Anh Hoan chia sẻ, trồng nấm linh chi không khó nhưng muốn thành công, phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy trình kỹ thuật như: Trại nấm phải được che kín để tránh mưa, nắng không trực tiếp chiếu vào, khử trùng trại sạch sẽ trước khi đưa nấm vào treo, nhiệt độ trong trại luôn đảm bảo từ 28 - 30 độ C, độ ẩm đạt 85% để nấm phát triển, mỗi ngày tưới từ 1 - 3 lần bằng bình xịt... Thời điểm trồng nấm từ tháng 1 đến tháng 3 hoặc từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch. Trước khi cho mùn cưa vào bịch phải hấp trong 10 giờ, với nhiệt độ trung bình 100 - 105 độ C. Sau khi hấp, để nguội trong khoảng 12 - 24 giờ trước khi cấy meo nấm vào. Khoảng 25 ngày bịch sẽ bắt đầu cho ra cá thể, sau 3 tháng có thể thu hoạch lứa nấm đầu tiên. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi tai nấm đạt trọng lượng 15 - 18g khô.
Anh Hoan lưu ý, khi thu hoạch nấm, người trồng phải dùng dao sắc cắt sát bề mặt túi, dùng vôi quét lên vết cắt để ngăn ngừa một số vi khuẩn thâm nhập làm hại nấm. Khác với các loại nấm ăn thông thường, thu hoạch nhiều đợt với thời gian khá lâu, nấm linh chi hồng chỉ có thể thu được hai đợt duy nhất trong năm, song bù lại giá bán khá cao nên mang lại thu nhập cao cho người trồng.
Bà Lê Thị Giá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước cho biết, mô hình trồng nấm linh chi hồng của gia đình anh Hoan cho hiệu quả kinh tế khá cao nên được nhiều nông dân đến học hỏi và làm theo.
Theo Đông y, nấm linh chi hồng có tác dụng chữa trị nhiều chứng bệnh như: huyết áp, tiểu đường, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, giải độc gan, ngăn chặn quá trình lão hóa,...
Quảng Bình

Ý kiến bạn đọc

Trồng nấm linh chi: Mô hình kinh tế hiệu quả

Chi phí đầu tư thấp, khâu chăm sóc nhẹ nhàng, được hỗ trợ về kỹ thuật, ổn định đầu ra… đó là những gì mà mô hình trồng nấm linh chi của Công ty TNHH MTV Hưng Lợi đã và đang mang đến cho bà con trong thời gian qua.
Dù đã gắn bó hơn 30 năm với nghề trồng nấm linh chi, nhưng với cô Nguyễn Ngọc Ái, Giám đốc Công ty TNHH MTV nấm và măng tây Hưng Lợi (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) vẫn luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm nấm đạt chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Điều đó đã thôi thúc cô tìm tòi, nghiên cứu và phối thành công phôi nấm linh chi có sức sống mạnh, thích hợp với mọi vùng đất và điều kiện khí hậu của từng địa phương. Không những thế, những phôi nấm này còn được trồng theo quy trình kỹ thuật sản xuất nấm sạch, không sử dụng phân bón, hóa chất trong khâu tưới tiêu nên nấm phát triển tốt, nhẹ chi phí cho người trồng và tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.
Trại nấm linh chi của cô Nguyễn Ngọc Ái. Ảnh: M.H
Theo cô Ái, trồng nấm linh chi không mất nhiều công chăm sóc. Người trồng chỉ tưới nước mỗi ngày một lần và có thể tận dụng những chuồng, trại, những nơi bỏ trống, hay thậm chí có thể tận dụng một góc nào đó trong căn nhà của mình để làm nơi trồng nấm. Về kỹ thuật chăm sóc, người trồng phải chú ý và tuân thủ theo quy trình kỹ thuật mà công ty hướng dẫn. Đó là nơi trồng nấm phải thông thoáng, phải trang bị hệ thống tưới nước (nếu trồng với số lượng nhiều). Ngoài ra, xung quanh khu vực nhà trồng cần phải bao lưới để ngăn chặn các loại côn trùng xâm nhập gây hại sự phát triển của cây nấm. Sau khi thu hoạch, bà con phải phơi khô hoặc sấy khô nấm trước khi công ty đến thu mua.
Nhận thấy được lợi ích từ việc trồng nấm linh chi, thời gian qua, nhiều bà con trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn áp dụng trồng thử nghiệm, bước đầu đã cho lợi nhuận tương đối cao. Chị Nguyễn Thị Kim Hương (số nhà 640, Quốc lộ 1A, phường 2, TP. Sóc Trăng) cho biết: “Tôi công tác ở Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng. Được bạn bè giới thiệu về mô hình trồng nấm linh chi, tôi đã đến Công ty TNHH MTV Hưng Lợi để tham quan mô hình và mua phôi nấm. Tôi đã trồng thử nghiệm 2.000 phôi. Thấy kết quả khả quan, nên vụ vừa qua, tôi đã đặt mua thêm 4.000 phôi để trồng. Sau 50 ngày trồng, sản phẩm được công ty thu mua với giá 500.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí tôi lãi khoảng 20 triệu đồng. Tôi đang mở rộng diện tích để trồng thêm 5.000 phôi nấm”.
Nấm linh chi là loại thảo dược quý, có công dụng trong việc điều trị bệnh mà bà con có thể tự trồng để cung cấp cho thị trường trong nước. Đây là cơ hội để người dân địa phương có thể phát triển thêm mô hình kinh tế phụ để đem lại thu nhập cho gia đình.
Minh Hiếu

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

link về kỹ thuật trồng nấm


  1. http://www.2lua.vn/article/nuoi-trong-nam-meo-moc-nhi
  2. http://nld.com.vn/dia-phuong/xom-nam-2013061910475143.htm
  3. http://text.123doc.vn/document/95226-xay-dung-quy-trinh-san-xuat-sinh-khoi-soi-nam-ganoderma-lucidum-nam-linh-chi.htm
  4. http://toiyeunamviet.com/
  5. http://namlinhchitkh.com/nam-linh-chi-han-quoc/
  6. http://linhchinonglam.com/



Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Bà “Chúa” nấm linh chi


Với công nghệ sản xuất nấm linh chi sinh khối, PGS-TS Nguyễn Thị Chính là người đầu tiên ở nước ta sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi...
Ba Chua nam linh chi
PGS-TS Nguyễn Thị Chính với sản phẩm sinh khối linh chi của mình
Cho đến nay PGS-TS Nguyễn Thị Chính đã dành trọn hơn 30 năm của đời mình cho những cây nấm nhỏ bé. Bà là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu trồng nấm ở nước ta và vinh dự được nhận bằng phát minh sáng chế về công nghệ sản xuất nấm trên nguyên liệu không thanh trùng do nước ngoài trao tặng.
Điều đặc biệt ở nhà khoa học nữ này, bà là người vừa nghiên cứu khoa học vừa ứng dụng vào thực tế tạo ra sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu có tác dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh hiểm nghèo…
Hành trình cùng cây nấm
“Ở Tiệp Khắc và các nước châu Âu, người nông dân sử dụng các chất thải nông nghiệp để sản xuất nấm với qui mô lớn và rất hiệu quả, còn ở Việt Nam thì có quá nhiều những chất thải này nhưng chẳng ai dùng việc gì” – TS Chính kể lại với nụ cười vui, khi tôi hỏi lý do chọn nấm để nghiên cứu.
Trong mười năm học tập và nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc, bà đã say sưa nghiên cứu, tìm hiểu về cây nấm. Năm 1986, bà vinh dự nhận bằng phát minh sáng chế do Tiệp Khắc trao tặng, với công trình nghiên cứu “Sản xuất nấm sò bằng công nghệ lên men vi sinh không thanh trùng”. Và được áp dụng ở các cơ sở trồng nấm Tiệp Khắc lúc đó với năng suất tăng lên gấp đôi.
Đầu năm 1987, bà bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài “Vi sinh vật trong công nghệ sản xuất nấm”. “Có rất nhiều lời mời hấp dẫn ở lại làm việc cho họ, nhưng tôi nghĩ cần phải đưa những gì đã nghiên cứu, đã học được về phục vụ cho đất nước, cho người dân của mình”, bà tâm sự.
PGS-TS Nguyễn Thị Chính sinh năm 1947. Được Tổng liên đoàn lao động trao tặng 2 bằng khen lao động sáng tạo. Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương vì sự nghiệp khoa học công nghệ. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Giải ba VIFOTEC năm 2002.
Về nước, bà bắt tay ngay vào việc triển khai ứng dụng công nghệ sản xuất nấm. Công việc quả là không dễ dàng, bởi lúc đó công nghệ sản xuất nấm ở nước ta còn quá xa lạ. Nhiều người chưa biết đến nấm như một món ăn, thị trường tiêu thụ thì không có. Rồi những khó khăn về phòng thí nghiệm và nơi nhân giống. Căn nhà 16m2 của bà với năm nhân khẩu đã trở thành phòng thí nghiệm và nơi trồng thử nấm. Lúc đó bà chỉ có niềm say mê khoa học, muốn ứng dụng những gì mình đã học được chứ chưa nghĩ tới việc làm giàu từ nấm.
Sau một thời gian thử nghiệm ở nhà, PGS-TS Nguyễn Thị Chính chính thức đưa cây nấm đi trồng thử ở nhiều nơi. Đầu tiên là trồng ở khu nhà ăn của trường ĐH Kinh tế Quốc dân vì nhà ăn của trường lúc đó nuôi lợn. Họ thì muốn xử lý chất thải gây ô nhiễm, còn bà lại muốn trồng nấm mở trên phân lợn với rơm. Khi việc trồng thử một số loại nấm đã thành công, bà lại tiếp tục hành trình đưa nấm về các vùng nông thôn. Trực tiếp hướng dẫn nông dân và nhiều chủ trang trại cách trồng nấm trên các loại chất thải nông, lâm nghiệp có sẵn.
Công nghệ sản xuất nấm sò trên nguyên liệu rơm rạ không thanh trùng của bà đã mở ra hướng sản xuất lớn cho các cơ sở, trang trại trồng nấm vì nó đơn giản, dễ làm, năng suất lại cao, đạt từ 80-100% quả thể so với nguyên liệu khô. Hiện nay loại nấm này đang được triển khai ở nhiều vùng trong nước như: Sơn La, Lai Châu, Thái Bình, Hà Tây, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Vĩnh Long…vv. Và nhiều nơi người dân thực sự làm giàu bằng công nghệ sản xuất nấm ăn của bà.
Từ phòng thí nghiệm gia đình đến “bà chúa” nấm linh chi
PGS-TS Nguyễn Thị Chính hiện là thành viên Ban chủ nhiệm CLB nữ khoa học Hà Nội. Giảng viên chính bộ môn Vi sinh, khoa sinh học trường ĐH KHTN (ĐH Quốc Gia Hà Nội). Thành viên mạng lưới nấm quốc tế. Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nấm dược liệu Việt Nam-Hàn Quốc theo nghị định thư liên Chính phủ. Giám đốc Trung tâm sản xuất và ứng dụng các sản phẩm từ nấm và vi khuẩn.
Sau thành công ở các chủng loại nấm ăn, PGS-TS Nguyễn Thị Chính lại đi sâu vào nghiên cứu các loại nấm dược liệu, đặc biệt công nghệ nuôi trồng quả thể sinh khối linh chi. Bà nói: “Ở một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…họ rất chú trọng việc nghiên cứu và ứng dụng các loại nấm dược liệu tạo ra nhiều sản phẩm từ nấm. Các chủng nấm như: nấm linh chi, vân chi, nấm đầu khỉ, đồng tiền…qua nghiên cứu họ đã chứng minh, có khả năng trong việc hỗ trợ chữa một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan B, đặc biệt bệnh ung thư”.
Với công nghệ sản xuất nấm linh chi sinh khối, bà là người đầu tiên ở nước ta sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi và được nhận giải thưởng VIFOTEC năm 2002. So với loại nấm linh chi trên thị trường hiện nay (chủ yếu dạng quả thể), thì nấm linh chi của PGS-TS Nguyễn Thị Chính sản xuất là dạng sợi.
Ba Chua nam linh chi
Nó đã được phân tích một số thành phần quan trọng như: protein, lipit, đường vitamin, nguyên khoáng, đặc biệt thành phần polysacharid (chính thành phần này đã được các tác giả trên thế giới khẳng định có hoạt tính chống u). Việc nghiên cứu và sản xuất ra loại sinh khối linh chi theo hướng thực phẩm chức năng của bà đã có tác dụng hỗ trợ trong việc chữa bệnh, tăng sức khoẻ cho con người.
Điều này đã được bà tiến hành thử nghiệm cho rất nhiều bệnh nhân trong những năm qua. Bà đã kết hợp với các BV K, BV Giao thông, BV Xanh-pôn Hà Nội…tiến hành cho bệnh nhân sử dụng thử. Từ kết luận bệnh án ở các bệnh viện, bà cho bệnh nhân dùng thử nấm và theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh.
Có rất nhiều bệnh nhân viêm gan B qua thời gian sử dụng sinh khối linh chi của bà đã có tác dụng rõ rệt, tỷ lệ men gan giảm, tình trạng sức khoẻ tốt. Như trường hợp của anh Nguyễn Huy T (38 tuổi), xét nghiệm ban đầu ở khoa sinh hoá-BV Bạch Mai (tháng 7/2003) có lượng mỡ máu cao, HBsAg dương tính, sau 1 tháng sử dụng sinh khối linh chi, xét nghiệm lại cho thấy âm tính, còn lượng mỡ máu giảm rõ rệt.
Đặc biệt trường hợp của anh V, giáo viên ở Hà Nội mà tôi được trực tiếp “kiểm chứng”. Năm 2003, BV K kết luận anh bị bệnh ung thư phổi, với khối u 9 cm. Sau 35 ngày chạy hoá chất, anh V quyết định chuyển sang Đông y. Qua người quen giới thiệu anh tìm đến PGS-TS Nguyễn Thị Chính và dùng thử sinh khối linh chi. Đến tháng 5/2004, anh V đi xét nghiệm lại thì kết quả là khối u không còn, tình trạng sức khoẻ tốt, không còn sụt cân như trước.
Nguyễn Tú
Theo đánh giá của BS Nguyễn Đức Hiền - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu BV Xanh-pôn: “Nấm linh chi không thay thế thuốc được, nhưng có tác dụng hỗ trợ trong việc chữa một số bệnh.
Qua thử nghiệm ở một số bệnh nhân cho thấy sinh khối linh chi mà PGS-TS Nguyễn Thị Chính đang nghiên cứu có tác dụng như: điều hoà hệ miễn dịch cơ thể, chống lão hoá, hỗ trợ trong việc chữa trị bệnh gan, đặc biệt viêm gan nhiễm độc, chuyển hoá mỡ cao, bệnh cao huyết áp…
Chúng tôi đã có tổng kết đánh giá vấn đề này trong công trình nghiên cứu cấp Nhà nước của PGS-TS Nguyễn Thị Chính. Đề tài đã được nghiệm thu và đạt xuất sắc”.
Còn theo báo cáo ban đầu của đề tài nhánh “Sử dụng sinh khối linh chi cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát giai đoạn muộn” được thực hiện tại bệnh viện K, kết quả nghiên cứu sử dụng nấm linh chi sinh khối trên 39 bệnh nhân cho thấy: Tác dụng giảm đau đạt 82,8% trường hợp.
Có 86,2% trường hợp cải thiện tình trạng ăn. Về thời gian sống thêm của bệnh nhân: Có 1 bệnh nhân sống đến thời điểm 21 tháng, 2 bệnh nhân sống trên 12 tháng, 11 bệnh nhân sống trên 6 tháng, 29 bệnh nhân sống trên 3 tháng.
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)

Trồng nấm từ bã cafe