Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Công nghệ trồng nấm từ... bỉm bẩn

Bỉm trẻ em và người lớn đã qua sử dụng đang góp phần làm tăng gánh nặng xử lý rác thải đối với con người ngày nay. Các nhà khoa học Mexico đã tìm ra một giải pháp độc nhất vô nhị cho vấn đề đó: sử dụng bỉm bẩn để trồng nấm.



công nghệ độc đáo, trồng nấm, bỉm bẩn
Các nhà nghiên cứu khẳng định, nấm trồng từ bỉm đã qua sử dụng không độc và có hướng vị cũng như hàm lượng dinh dưỡng như nấm trồng theo những cách thông thường khác.Ảnh: Daily Mail

Các nhà nghiên cứu phát hiện, nấm sinh trưởng nhờ “ăn” cellulose, một thành phần cấu tạo bỉm. Bằng cách nghiền nát những miếng bỉm đã qua sử dụng, họ đã tạo ra “phân bón bỉm” cho nấm phát triển.
Tính trung bình, một đứa trẻ dùng tới hơn 8.000 miếng bỉm trước khi học được cách đi vệ sinh vào bô hoặc bồn cầu, tạo ra tới 2 tấn rác phân hủy chậm. Trong khi đó, Mexico hiện là nước tiêu dùng bỉm, cả loại dành cho trẻ em và người lớn, lớn thứ 3 trên thế giới.
Thực tế trên khiến một nhà khoa học Mexico thiết kế nên một công nghệ có thể phân hủy các chất liệu làm bỉm nhờ loài nấm Pleurotus ostreatus.
“Ý tưởng nảy sinh sau khi tôi cân nhắc việc nấm ăn cellulose, một chất liệu có trong bỉm, nhưng cũng lưu ý việc bỉm còn chứa các thành phần nhân tạo không thể phân hủy sinh học như polyethylene, polypropylene và gel siêu thấm (sodium polyacrylate) chuyên hút chất lỏng”, nhà nghiên cứu Rosa María Espinosa Valdemar thuộc Đại học Tự trị thủ đô (Mexico) giải thích.
Bà Valdemar Espinosa cho biết, bước đầu tiên là thu thập các bỉm đã qua sử dụng, nhưng chúng phải là bỉm chỉ chứa chất lỏng thải loại như nước tiểu. Số bỉm này sau đó được tiệt trùng bằng nồi hấp, nghiền và trộn với vài vật liệu khác chứa một chất gọi là lignin (chất nấm cũng cần để sinh trưởng) từ cỏ, bã nho, cà phê hay chồi ngọn dứa.
Toàn bộ quá trình trên gọi là khâu chuẩn bị chất nền để trồng nấm. Tiếp đến, bà Valdemar Espinosa và các cộng sự lấy một nắm hạt giống nấm – bào tử nấm đã phát triển trên lúa mì hoặc lúa miến – và rắc chúng trên chất nền, rồi đặt hỗn hợp vào một túi chất dẻo.
Các túi trồng nấm sau đó được giữ trong bóng tối 2 – 3 tuần, trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát, rồi chuyển sang giai đoạn tiếp xúc với ánh sáng. Sau 2,5 – 3 tháng, bỉm phân hủy và giảm thể tích cũng như khối lượng tới 80%.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu họ áp dụng công nghệ trồng nấm của mình với 1kg bỉm, cuối quá trình, họ sẽ thu được 200 – 300g nấm.
Sau khi thu hoạch nấm theo phương pháp mới, các chuyên gia đã tiến hành phân tích và phát hiện, nấm trồng từ bỉm không chứa chất độc hại hay mầm bệnh truyền nhiễm do bỉm đã được tiệt trùng. Họ cũng nhận thấy hàm lượng protein, chất béo, vitamin và các khoáng chất trong nấm sinh trưởng trên vật liệu bỉm tương đương với nấm trồng theo các cách bình thường khác.
Tuy nhiên, bà Espinosa Valdemar thừa nhận, nhiều khả năng, người tiêu dùng sẽ e ngại việc ăn nấm trồng từ bỉm. Dẫu vậy, nấm thu hoạch theo công nghệ này có thể được sử dụng làm nguồn bổ sung thức ăn cho gia súc, gia cầm. Và chất gel siêu thấm trong bỉm có thể được tái sử dụng để tăng khả năng giữ chất ẩm cho đất trồng trọt.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Méo mặt vì giá nấm Nông dân đang gặp khó vì nấm nhiều mà giá bán quá thấp

Nông dân đang gặp khó vì nấm nhiều mà giá bán quá thấp
Nông dân đang gặp khó vì nấm nhiều mà giá bán quá thấp

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trồng nấm bị thua lỗ vì giá nấm liên tục giảm. Nhiều trang trại nấm để không hoặc phải dỡ bỏ vì không thể tái sản xuất.

Ngay cả các đại lý cũng chịu cảnh “méo mặt” vì ôm hàng tấn nấm mà thương lái chẳng buồn ghé mua. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát thực trạng sản xuất nấm tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, nơi đang có hàng chục trại nấm lớn nhỏ đã treo trại, ngưng sản xuất, một số dỡ bỏ để dành đất chuyển đổi sản xuất.

Ông Trương Minh Hoa (ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) nói: “Gia đình tôi có 7 trại nấm, tổng diện tích khoảng 900 m2. Những năm trước, gia đình làm lúc nào cũng dư ăn, cứ mỗi năm làm 2 vụ thu về 180 triệu đồng, trừ công cán cũng lãi gần phân nửa. Vậy nhưng, năm vừa rồi thấy giá nấm đi xuống tôi chỉ làm có 4 trại, vậy mà vẫn lỗ chỏng gọng”.

Ông Hoa cho biết, vào thời điểm giá cao, nấm mèo dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, nấm sò từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, đắt nhất là nấm bào ngư khoảng 130.000 – 150.0000 đồng/kg. Riêng vào thời điểm cuối năm, cận tết, tiêu thụ nhiều, lái đổ về nườm nượp, bao nhiêu nấm cũng hết, giá bán lại rất cao. Tuy nhiên, chỉ từ sau tết đến nay, giá nấm liên tục đi xuống, nhiều hộ dân phải ngưng sản xuất. Có nhà bỏ hẳn chuyển sang chăn nuôi.

Khảo sát của PV cho thấy, hiện giá nấm mèo loại 1 chỉ còn 50.000 – 55.000 đồng/kg, loại 2 còn 20.000 – 30.000 đồng/kg. Nấm bào ngư tụt xuống mức thấp nhất từ trước tới nay là 70.000 đồng/kg. Riêng nấm sò có chút khả quan khi giá giữ mức 5.000 – 6.000 đồng/kg và vẫn tiêu thụ được.
Trại nấm của ông Hoa hiện nay chỉ trồng chủ yếu là nấm sò, còn các loại khác chiếm diện tích khá nhỏ. “Mấy loại nấm kia có bán được đâu, mối đến cũng chỉ hỏi nấm sò, còn lại từ chối hết”, ông giải thích.

Gia đình ông Hà Xuân Lý ở ngay kế bên ông Hoa mới vay ngân hàng được hơn 30 triệu đồng cho vụ nấm năm nay. Tuy nhiên lời lãi chưa thấy đâu, cả gia đình đã phải ngậm ngùi nhìn cả tạ nấm mèo ủ hàng tháng trời trong kho không có ai tới mua. Ông Lý than thở: “Đó là chưa kể nguyên 1 trại nấm mèo của tôi chết sạch. Giờ này họa may có bán được cũng chỉ thu về cỡ 5 – 6 triệu đồng thôi”.

Chỉ tính riêng ấp 5, xã Sông Trầu có tới hơn 50 hộ trồng nấm, nhưng năm nay các hộ đều ngậm ngùi vì giá nấm rớt. Ngay ông Hoa vốn trước đây là trưởng ấp, trồng nấm suốt 12 năm và cũng phổ biến cho nhiều bà con cùng tham gia trồng. Nhưng hiện nay ông cũng phải bỏ mất nửa số trại, phần thì nuôi thêm con gà, con heo để bù thu nhập, phần thì để trống chờ giá lên mới trồng lại.

Nhiều người dân cho biết, đúng ra vào đầu tháng 8 mọi năm là thương lái ra vào nườm nượp mua nấm. Thời điểm đó, nấm phơi trắng khắp đường, nhưng giờ thì hết rồi. Có người cho rằng các lái đang án binh chờ giá giảm nữa rồi mới thu mua; có người thì cho rằng các lái cũng đang ôm quá nhiều nấm, không bán ra được nên không thu mua nữa.

Anh Lê Xuân Trường, chủ đại lý nấm Xuân Trường tại ấp 5, xã Sông Trầu chia sẻ: “Tôi đang tồn đọng gần 3 tấn nấm mèo, cả tháng nay không bán được, các thương lái cũng chẳng ngó ngàng tới”. Cả gia đình anh Trường đang rất lo lắng vì nếu giá nấm tiếp tục diễn biến xấu, gia đình anh có thể lỗ tới 150 triệu đồng.

Bà Chế, một thương lái nấm tại xã Hố Nai cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi thu mua hàng chục tấn nấm mà lượng bán ra rất chậm, gọi điện hỏi bạn hàng thì họ nói tạm thời ngưng mua vì phía Bắc “ăn” hàng chậm”. Hiện bà Chế đang tồn gần 80 tấn nấm, nếu không tiêu thụ nhanh, thiệt hại có thể lên đến cả tỷ đồng.

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Thí điểm mô hình trồng nấm linh chi tại Sơn Định




 
Nấm linh chi. Ảnh: Xuân Lãm  
Qua sự giới thiệu của Hội Nông dân xã nhà, tháng 8/2012 gia đình bà Thái Thị Em ấp Phụng Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách được chọn thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng kết quả khá khả quan.

Trước khi đến với mô hình trồng nấm linh chi gia đình bà Em làm nghề sản xuất cây giống. Đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá vùng đất mới tại làng quê Sơn Định trong đề án phát triển du lịch sinh thái làng nghề và đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gia đình bà Em thực hiện thí điểm mô hình trồng nấm linh chi.

Bà Em chia sẽ “Trồng nấm linh chi được xem là khá mới đối với gia đình, lúc đầu chúng tôi do dự,  sợ không làm được nhưng qua sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Sở KH&CN tỉnh Bến Tre, chúng tôi yên tâm hơn. Tuy mới thực hiện lần đầu nhưng tôi thấy mô hình khả thi đối với bà con nông dân”.

Tham gia mô hình trồng nấm linh chi, gia đình bà Em được hỗ trợ miễn phí 2 ngàn bịt phôi giống, được tư vấn hướng dẫn kỹ thuật và đầu tư hệ thống bình lọc nước hộ gia đình. Sau thời gian chăm sóc, thực hiện đúng quy trình, nấm phát triển tốt cho thu hoạch sản lượng đạt cao và tỷ lệ hao hụt thấp.

Bà Em cho biết “Trồng nấm linh chi xem ra khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, với 2 ngàn phôi, tôi làm giàn được đóng bằng cây dùng để chất phôi lên có chiều rộng 6m, dài 12m, chiều cao từ giàn xuống mặt đất có khoảng cách hơn 0,5m. Thiết kế nhà lưới, bên trong lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương và tùy vào thời tiết sử dụng nước tưới cho phù hợp. Thông thường tôi chỉ tưới nước cho phôi nấm linh chi ở nhiệt độ 35 độ C trở lên. Bằng biện pháp này, sau 2 tháng chăm sóc nấm cho thu hoạch. Đợt 1 thu hoạch 38 kg và đợt 2 thu hoạch 30 kg. Với giá bán 380 ngàn đồng/kg đã mang lại lợi nhuận gần 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”.

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng nấm linh chi mang lại, cùng với tiếp cận thị trường cho thấy: Nấm linh chi là loại thảo dược, thức ăn giàu chất dinh dưỡng, giá thành khá cao và nhu cầu sử dụng nấm khá lớn. Điều quan trọng là kỹ thuật chăm sóc nấm linh chi xem ra khá đơn giản, thích hợp với vùng đất của địa phương… Từ đó, gia đình bà Em tiếp tục gắn bó với nghề.

Qua đợt thu hoạch nấm linh chi bà Em nhận thấy rằng, quy trình trồng nấm khá đơn giản. Vấn đề quan trọng là tưới nước, phải tưới nước vào thời điểm thích hợp. Để nấm phát triển tốt, nhà trồng nấm phải đảm bảo môi trường sạch,  thông thoáng, đảm bảo đủ độ ẩm và nấm được nuôi trong mùng kín. Riêng về nước tưới sử dụng nguồn nước qua hệ thống lắng lọc phòng tránh cho nấm không bị nhiễm bệnh, đảm bảo về chất lượng.

Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình bà Em cho biết nấm linh chi còn được sử dụng như một loại thuốc quý, do đó việc trồng nấm phải đảm bảo đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh và bảo vệ môi trường tốt.

Đầu tư mô hình trồng nấm linh chi tại Sơn Định, Chợ Lách được xem là mô hình mới có nhiều triển vọng cho nông dân. Việc đầu tư mô hình này không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế mà còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề, giúp cho địa phương phát triển ngành du lịch sinh thái làng nghề-khám phá vùng đất mới và đạt các tiêu chí về xã thôn nông thôn mới vào cuối năm 2013.
Trúc Ly
Đài Truyền thanh Chợ Lách

Lưu ý khi mua nấm linh chi

“Không nên chọn những cây nấm đã bị mất độ bóng trên bề mặt, hoặc có những lỗ tròn nhỏ bằng đầu kim. Đó là loại nấm cũ hoặc có thể đã bị chiết xuất chỉ còn phần xác”, thạc sĩ Cổ Đức Trọng khuyến cáo.
Thượng vàng hạ cám
Đến khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, quận 5, TP HCM người tiêu dùng không khỏi choáng ngợp trước một rừng dược liệu. Trong đó, nấm linh chi là một mặt hàng khá hút khách.
Ở đây, nấm linh chi được bày bán chủ yếu là nấm có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Nấm linh chi Hàn Quốc có giá bán từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng một kg. Nấm Hàn Quốc nhìn khá bắt mắt, mặt trên của nấm màu đỏ nâu, còn dính một ít bào tử, mặt dưới có màu vàng chanh nhạt. Nấm có đường kính từ 10cm – 15cm, nặng khoảng 100 gam. Khi nấu, nước có vị đắng.
Khác với nấm Hàn Quốc, nấm Trung Quốc có giá bán rất rẻ, từ 500.000 – 600.000 đồng một kg. Bề mặt nấm có màu đỏ nhạt, có chút ít bào tử màu nâu, có hình tròn, đường kính từ 8cm đến 15cm, hơi cứng.
 
Cẩn trọng để không mua nấm linh chi bị mốc
  • Ngoài ra còn một loại nấm linh chi giống Nhật Bản cũng được trồng tại Việt Nam. Nấm có hình quả thận hoặc hình quạt, màu đỏ sậm, bóng láng và rất cứng. Mặt dưới của nấm có màu vàng chanh nhạt hoặc trắng ngà. Nấm giống Nhật Bản khi nấu nước uống có vị rất đắng do có nhiều hàm lượng saponin triterpen trong nấm.
  • Tuy nhiên, theo thạc sĩ Cổ Đức Trọng, nấm linh chi giống Việt Nam hiện chiếm ưu thế vì chất lượng. Nấm có màu đỏ, bề mặt nấm bóng đẹp, hơi xốp, mặt dưới nấm có màu trắng ngà và ruột màu nâu sậm.
Nấm cũ gây dị ứng
  • Nấm linh chi có những công dụng như mát gan, giải độc, tốt cho tim mạch, huyết áp… nhưng nếu không cẩn trọng khi mua người tiêu dùng dễ mua nhầm nấm cũ, nấm đã bị triết hết chất chỉ còn xác nấm.
  • Thạc sĩ Trọng khẳng định, bất cứ ai cũng có thể sử dụng nấm linh chi. Tuy nhiên khi mua nấm, người tiêu dùng phải thật cẩn trọng để chọn được nấm mới, chất lượng cao.
  • Thạc sĩ Trọng “bật mí”, khi nấu chín, nước linh chi có vị đắng. Nhưng một số nấm Trung Quốc, đặc biệt là nấm bề mặt phía dưới có màu vàng nghệ khi nấu nước đầu rất đắng nhưng đến nước thứ hai là hoàn toàn không mùi vị.
  • Nguyên nhân là nấm đã bị phết hóa chất tạo vị đắng và màu cho đẹp mắt nên chỉ có nước đầu là đắng, nước sau rất nhạt. Không những thế, hầu như nấm linh chi cũ đều mất đi độ bóng của mặt trên nấm. Nhìn kỹ sẽ thấy nấm có những lỗ tròn nhỏ bằng đầu kim do bị mọt đục.
  • Nếu sử dụng loại nấm này người dùng dễ bị dị ứng do mọt và phân mọt còn lại trong nấm. Với nấm Hàn Quốc kém chất lượng, người dùng hay gặp phải tình trạng mốc xanh hoặc mốc hoa cau gây đau bụng, tiêu chảy. Vì vậy, khi mua người tiêu dùng phải xem thật kỹ để tránh mua phải hàng mất chất.
  • Thạc sĩ Trọng cũng khuyến cáo, hiện có nhiều loại nấm mọc hoang trong rừng ở Việt Nam có màu sắc, hình dáng dễ lẫn với nấm linh chi. Loại nấm này có chất lượng kém vì được thu hái ngẫu nhiên nên thường non quá hoặc già quá nên bị mục, nấm bệnh ký sinh.
  • Vì thế khi chọn mua nấm linh chi, người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín, có bao bì nhãn mác rõ ràng để biết rõ nguồn gốc xuất xứ loại nấm

Hiệu quả từ mô hình trồng nấm linh chi


Những năm gần đây, được hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, nhiều địa phương đã mạnh dạn hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, phát triển nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trồng nấm linh chi là một trong nhiều mô hình mới, hiệu quả được nhiều địa phương khuyến khích đầu tư nhân rộng. Bởi đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, vốn đầu tư không cao và phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.

Mô hình trồng nấm linh chi ở TX.Hồng Ngự
Gắn bó với nghề trồng nấm linh chi gần 2 năm, cô Trần Thị Thum ngụ ấp An Lợi, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự phấn khởi cho biết: “Ban đầu gia đình tôi chỉ trồng thử nghiệm trên 2 ngàn phôi nấm nhưng thấy kết quả rất khả quan. Vụ này được sự hỗ trợ vốn từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và Trạm Khuyến nông thị xã nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích và trồng thêm 5 ngàn phôi nấm. Tổng chi phí đầu tư cho phôi nấm, nhà trồng, dây treo... khoảng 29 triệu đồng. Sau 6 tháng, tôi thu hoạch được khoảng 110kg nấm khô, giá bán ngoài thị trường khoảng 500 ngàn đồng/kg. Trừ các khoảng chi phí lãi khoảng trên 25 triệu đồng. Đây là khoản thu đáng kể đối với gia đình tôi trong lúc nông nhàn”.
Theo cô Thum, trồng nấm linh chi không mất nhiều công chăm sóc, tuy nhiên về kỹ thuật, người trồng phải chú ý và tuân thủ nghiêm túc các qui trình mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn như: nhà trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo nhiệt độ từ 22 – 280C và độ ẩm từ 80 – 90%. Ngoài ra, các nhà trồng phải trang bị hệ thống tưới tự động, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng khoảng 1cm để đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển. Xung quanh nhà trồng cần bao lưới ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Sau khi thu hoạch, nấm phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40 – 450C.
Nấm linh chi là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ giải độc và cải thiện bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, thần kinh suy nhược... mà hiện nay chúng ta đã chủ động trồng được. Đây là loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, cần được nhân rộng và phát triển trong thời gian tới. Theo thống kê, trung bình mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 250 tấn nấm linh chi và khả năng trong những năm tới nhu cầu sẽ tăng khoảng 25% mỗi năm. Trong khi đó, hiện tại chúng ta chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, còn lại phải sử dụng các loại nấm ngoại nhập, hoàn toàn không biết rõ về nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm. Vì vậy, việc phát triển trồng nấm linh chi đạt tiêu chuẩn về chất là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo người tiêu dùng trong nước được sử dụng nguồn dược liệu sạch, an toàn. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội lớn phát triển kinh tế từ sản xuất nấm linh chi.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Phơ - Trưởng Trạm Khuyến nông TX.Hồng Ngự: “Hiện tại ở địa phương, mô hình chỉ mới triển khai ở một số hộ, qui mô còn nhỏ lẻ nên chưa liên kết được với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm, người dân chỉ bán cho khách hàng ở địa phương, giá cả chưa ổn định. Trong năm tới, thị xã sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm linh chi cho nông dân và nhân rộng mô hình trên địa bàn. Định hướng năm 2014, TX.Hồng Ngự sẽ mời Công ty dược phẩm Domesco để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nấm linh chi cho người dân”.
Mỹ Lý

Trồng nấm linh chi- mô hình hay




Người trồng nấm đang thu hoạch bào tử.
Khoảng vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Nhơn Phú (Mang Thít) xuất hiện mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu đạt hiệu quả khá và được xem là mô hình phát triển kinh tế hay từ một số hộ nông dân quyết đoán, quyết làm…
Từ những đợt tham quan, hội thảo
Không phải ngẫu nhiên mà mô hình trồng nấm linh chi xuất hiện ở xã Nhơn Phú, mô hình có thể xem lần đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Mang Thít.

Chúng tôi tìm đến nhà của cô Đào (ấp Phú Thạnh B) thì được biết, thông qua chính quyền xã, có đơn vị mời dự tham quan các mô hình ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau,… và thông qua các buổi dự thảo nên gia đình quyết định chuyển hướng trồng thử.
Hiện tại, gia đình của cô Đào có 4.000 phôi nấm được trồng trên diện tích chỉ khoảng gần 40m2. Cô cho biết, lúc trước gia đình làm lò gạch, nhưng từ lúc nghề gạch không còn sung túc thì bắt đầu chuyển qua chăn nuôi, trồng trọt.

Vào trước Tết Nguyên đán, sau khi đi tham quan, dự hội thảo về kỹ thuật trồng nấm linh chi, thấy hay nên quyết định trồng thử. Đến nay, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch đợt đầu tiên.
Điều thuận lợi cho các hộ trồng nấm linh chi là bên cung cấp phôi giống sẽ trang bị kiến thức kỹ thuật, cử cán bộ xuống hướng dẫn làm nơi nuôi trồng, về độ ẩm, ánh sáng,… đều được hướng dẫn.

Đứng kế bên, chú Út Được- chồng cô Đào cho biết: Không cần diện tích lớn, gia đình có thể tận dụng các trại gạch cũ, gia cố lại để sử dụng nơi trồng nấm. Công chăm sóc để nấm linh chi phát triển không cần nhiều, mỗi ngày chỉ cần tưới nước 2 lần và đảm bảo độ ẩm, ánh sáng đúng kỹ thuật,… là cây nấm có thể phát triển tốt. Do đó có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm việc khác… Hiện cũng đang hoàn thiện chỗ trồng mới đáp ứng đủ cho khoảng 10.000 phôi nấm.
Tìm đến nhà chị Loan (ấp Phú Thọ) để tìm hiểu về mô hình, chị cho biết, bên cung cấp phôi giống với giá 10.000 đ/phôi. Mỗi phôi sẽ cho ra 3 đợt nấm. Đợt 1 khoảng từ 50- 60 ngày, đợt 2 và 3 khoảng 30 ngày.

Các đợt liên tiếp nhau, cứ thu hoạch rồi nấm tự phát triển tiếp. Trung bình 70 phôi sẽ cho ra 1kg nấm linh chi khô, với giá thành hiện nay bên cung cấp giống thu vào là 500.000 đ/kg.

Do đó, nếu tính kỹ đợt đầu tiên có thể sẽ “hòa vốn, đợt 2 và 3 sẽ bắt đầu cho lợi nhuận… Hiện trại nấm linh chi của chị Loan cũng sắp đến ngày thu hoạch đợt đầu tiên. Khi nghiên cứu với các tài liệu cũng như tiêu chuẩn nấm, chị Loan cười tươi đánh giá: Nấm của chị đạt loại 1 gần như 100%.
Sản xuất cần ổn định
Hiện nay trên địa bàn xã Nhơn Phú có khoảng 11 hộ tham gia trồng nấm linh chi, với tổng số phôi nấm đang trồng và đăng ký mới khoảng 28.500 phôi, trải đều khắp các ấp. Có hộ đang trồng cao nhất là 4.000 phôi, hộ thấp nhất cũng 500 phôi, có hộ đã đăng ký trồng mới 10.000 phôi.

Chị Loan cho biết, do mới làm lần đầu nên chị đầu tư chỉ 2.000 phôi, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu mở rộng mô hình.

Các phôi nấm bào ngư được trồng song song với nấm linh chi ở một hộ dân.
Mô hình trồng nấm linh chi không chỉ cho nấm mà các hộ trồng nấm còn có thể thu hoạch bào tử (giống như dạng bột, thu hoạch xong phải phơi khô để bào quản- PV). Hiện nay, mỗi ký bào tử được thu mua với giá từ 3- 5 triệu đồng. Như vậy, thu nhập tăng thêm ở các mô hình là rất đáng kể…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú Đặng Ngọc Thảo, xã đã kết hợp để tổ chức 2 cuộc hội thảo, mời nông dân đến dự. Qua đó, một số hộ bước đầu cũng mạnh dạn đầu tư trồng thử. Hiện có một số hộ đã thu hoạch, một số thì chuẩn bị thu hoạch đợt đầu tiên. Bước đầu đánh giá, mô hình hay, đạt hiệu quả và sắp tới sẽ có những bước đánh giá cụ thể, nếu được sẽ triển khai nhân rộng…
Tuy hiện nay được bao tiêu sản phẩm nấm với giá cao, bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất, cho lợi nhuận kinh tế khá. Song không ít người trồng cũng lo ngại về đầu ra trong tương lai.

Một nông dân có mô hình ở ấp Phú Thọ cho rằng, đầu ra sản phẩm là điều kiện đảm bảo để người trồng nấm yên tâm. Cho nên, rút kinh nghiệm từ các loại nông sản khác vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường, thương lái, thì mô hình trồng nấm linh chi mới mở rộng, phát triển, mở ra điều kiện kinh tế cho bà con nông dân…
Nhiều hộ trồng nấm linh chi không chỉ mạnh dạn đầu tư trồng thử mà còn thí nghiệm trồng “kèm” nấm bào ngư. Qua đó, có thể so sánh mức lợi nhuận, kỹ thuật trồng, thị trường,…

Khi chúng tôi tìm đến một số hộ có mô hình, song song với hàng ngàn phôi nấm linh chi là vài trăm phôi nấm bào ngư. Ngoài ra, một số hộ còn tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu qua sách, báo, thậm chí là mạng Internet… về các loại nấm này.
Bài, ảnh: KHÁNH DUY

rồng nấm linh chi: Thu nhập cao


Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng nấm linh chi, anh Đào Công Hoan ở ấp Phước Tân, xã Tân Phước (Đồng Phú - Bình Phước) đã mạnh dạn áp dụng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên trại nấm luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt, gia đình anh có cuộc sống ngày càng khấm khá­.
Năm 2009, anh Hoan đầu tư trồng các loại nấm mèo, nấm rơm và nấm bào ngư nhưng do giá cả bấp bênh, khó tiêu thụ nên không mở rộng được mô hình. Trong một lần tình cờ đọc trên sách, báo thấy giới thiệu mô hình trồng nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao, anh mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc loại nấm này. Nắm bắt được kiến thức, cộng thêm kinh nghiệm trồng các loại nấm trước, năm 2012, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng trồng thử nấm linh chi hồng. Ban đầu anh trồng 6.000 cá thể (bịch) trong diện tích hơn 300m2. Vụ thu hoạch đầu tiên, tuy năng suất không cao nhưng phát triển ổn định, tỷ lệ cá thể ra nấm khá đồng đều. Từ thành công bước đầu, anh Hoan mạnh dạn đầu tư cho lứa nấm tiếp theo. Hiện, trại nấm của anh có hơn 13.000 bịch, với giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm nấm làm ra được Trường Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh và Công ty Dược Bình Dương tiêu thụ ổn định. “Nhờ nắm bắt kỹ thuật chăm sóc nên nấm đạt năng suất, chất lượng cao, đặc biệt đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Ngoài việc trả được vốn vay ngân hàng, kinh tế gia đình tôi cũng dần ổn định”, anh Hoan nói.
Theo anh Hoan, để nấm linh chi sinh trưởng, phát triển ổn định, trước hết phải nắm vững kiến thức, kỹ thuật. Thực tế, cách trồng và chăm sóc nấm linh chi hồng cũng gần giống các loại nấm ăn thông thường khác. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm là mùn cưa từ cây cao su rồi trộn thêm vôi, cám gạo và một số chất khác theo tỷ lệ, sau đó ủ đóng bịch đưa vào lò hấp.
Anh Hoan chia sẻ, trồng nấm linh chi không khó nhưng muốn thành công, phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy trình kỹ thuật như: Trại nấm phải được che kín để tránh mưa, nắng không trực tiếp chiếu vào, khử trùng trại sạch sẽ trước khi đưa nấm vào treo, nhiệt độ trong trại luôn đảm bảo từ 28 - 30 độ C, độ ẩm đạt 85% để nấm phát triển, mỗi ngày tưới từ 1 - 3 lần bằng bình xịt... Thời điểm trồng nấm từ tháng 1 đến tháng 3 hoặc từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch. Trước khi cho mùn cưa vào bịch phải hấp trong 10 giờ, với nhiệt độ trung bình 100 - 105 độ C. Sau khi hấp, để nguội trong khoảng 12 - 24 giờ trước khi cấy meo nấm vào. Khoảng 25 ngày bịch sẽ bắt đầu cho ra cá thể, sau 3 tháng có thể thu hoạch lứa nấm đầu tiên. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi tai nấm đạt trọng lượng 15 - 18g khô.
Anh Hoan lưu ý, khi thu hoạch nấm, người trồng phải dùng dao sắc cắt sát bề mặt túi, dùng vôi quét lên vết cắt để ngăn ngừa một số vi khuẩn thâm nhập làm hại nấm. Khác với các loại nấm ăn thông thường, thu hoạch nhiều đợt với thời gian khá lâu, nấm linh chi hồng chỉ có thể thu được hai đợt duy nhất trong năm, song bù lại giá bán khá cao nên mang lại thu nhập cao cho người trồng.
Bà Lê Thị Giá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước cho biết, mô hình trồng nấm linh chi hồng của gia đình anh Hoan cho hiệu quả kinh tế khá cao nên được nhiều nông dân đến học hỏi và làm theo.
Theo Đông y, nấm linh chi hồng có tác dụng chữa trị nhiều chứng bệnh như: huyết áp, tiểu đường, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, giải độc gan, ngăn chặn quá trình lão hóa,...
Quảng Bình

Ý kiến bạn đọc